Thánh Thể trong Nhà Bêtania là Nguồn Sức Mạnh vô song cho khóa viên qua việc Chầu Mình Thánh của các trợ nguyền khi tới giúp Khóa. Để cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc Chầu Thánh Thể quan trọng này, thì sách Hướng Dẫn Sinh Hoạt đã dành chương 21a, từ trang 603; chương 21b, từ trang 617; và chương 24, từ trang 673.
Nhiều năm về trước, khi sáng tác và soạn thảo những tài liệu ở các chương trên cho việc Chầu Mình Thánh, linh mục sáng lập đã cảm nghiệm thấy sự khẩn thiết của Chúa Giêsu Thánh Thể đối với Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình. Nay để kiện toàn thì thêm chương đầu tiên này, với chủ đề Căn bản về Chầu Thánh Thể trong Nhà Bêtania. Như vậy là xếp việc Chầu Thánh Thể vào nội dung chính, là thành phần cốt yếu của Khóa. Vì vậy Trường Nội Dung cần cắt cử cho có nhân sự, đồng thời học tập như các chủ đề về Diễn Giải hay Mời Tự Nói khác, lại học tập hơn nữa, nhờ vậy luôn có Vị/Cặp hướng dẫn việc Chầu Mình Thánh cho nghiêm chỉnh và cung kính.
Chương này bàn về 7 mục, đó là (1).mục đích các trợ nguyền Chầu Thánh Thể khi giúp Khóa; (2).việc cần có Vị/Cặp đặc trách Nhà Bêtania; (3).lý do đặt "Văn Phòng Điều Hành" thường ở ngay trong Nhà Bêtania; 4. việc các trợ nguyền Chầu Thánh Thể chung; 5. việc sử dụng các tài liệu ở ba chương trong sách Hướng Dẫn Sinh Hoạt; 6. việc Chầu thánh Thể riêng; và 7. việc Viết Hoa Thiêng trong Nhà Bêtania.
Linh mục sáng lập luôn nhấn mạnh rằng mình chỉ là dụng cụ Chúa dùng để lập ra Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình. Nếu người sáng lập chỉ là dụng cụ thì mọi người làm theo đường lối người này đưa ra cũng chỉ là dụng cụ mà thôi. Mà dụng cụ thì phải có "Người", có Đấng sử dụng, và chính Đấng này mới là Tác Giả làm ra các sự thay đổi "như lạ lùng" trong nội tâm các khóa viên. Đấng này chính là Chúa, là Thánh Gia, Giêsu – Maria – Giuse. Là Chúa Thánh Linh.
Vậy các trợ nguyền Chầu Thánh Thể khi giúp Khóa có mục đích nhận lãnh lấy Tình "Thương Yêu Gần Gũi" của Chúa, nhận lãnh lấy sức mạnh từ Chúa. Các trợ nguyền Gần Gũi Chúa thay cho khóa viên, nhờ vậy trong khi đang học tập thì họ được trợ nguyền thay thế để Chầu Thánh Thể.
Thật ra, trợ nguyền "yêu thương gần gũi" Chúa để chính mình được Chúa thương yêu trước, rồi sau đó mới san sẻ Tình Yêu này cho khóa viên, theo hình ảnh "mình không chết đuối thì mới cứu được người sắp chết đuối".
Mục đích đời sống là yêu thương nên con người khao khát yêu thương. Mà Thánh Thể là Suối Nguồn Yêu Thương, là Tình Yêu Thăm Thẳm, nên mục đích Chầu Thánh Thể là để thông phần vào Biển Tình Bao La, là chìm ngợp trong Đấng "là Tình Yêu" (1 Ga 4, 8).
Kinh nghiệm cho thấy sẽ tăng lên rất nhiều tình "thương yêu gần gũi bằng việc làm" đối với những nơi nào xếp đặt để có Nhà Bêtania riêng biệt, chuẩn bị nơi đặt Mình Thánh Chúa cho nghiêm trang ấm cúng. Căn phòng có nệm thảm để quỳ ngồi thanh thản, có ghế bàn để viết dễ dàng, v.v. Có nơi "Nhà Bêtania" chỉ là một góc dưới cầu thang bỏ trống, nhưng nơi này riêng biệt, không bị ồn ào. Lại có nệm thảm, có màn che, có đèn sáng vừa phải, có ghế bàn không bề bộn, v.v., nên các trợ nguyền dễ viết Hoa Thiêng, dễ đi vào nội tâm thâm trầm, tưởng vì vậy mà họ chan chứa "yêu thương gần gũi bằng việc làm".
Nếu Phòng Song Nguyền là nơi quy tụ khóa viên thì Nhà Bêtania phải là nơi quy tụ các trợ nguyền. Trợ nguyền nào ít vào Nhà Bêtania thì tuy có thể làm việc ích lợi cho người khác nhưng ít ích lợi cho mình, có khi còn thiệt thòi vì lòng trống rỗng, rồi dễ nhỏ nhoi, ganh tị, xoi mói, ít Xin lỗi, ít Cảm Ơn từ đáy lòng, v.v.
Vậy nếu muốn đạt mục đích là giúp Khóa để "cứu mình khỏi chết đuối rồi cứu người sắp chết đuối", thì khẩn thiết phải tạo ra khung cảnh Nhà Bêtania ấm cúng, rồi khẩn thiết phải vào với Chúa trong Nhà này.
Trong 12 Ban lo tổ chức Khóa, thì sách Nền Tảng Và Nội Dung dành tới ba Ban để lo những việc liên quan tới Mình Thánh Chúa, đó là Ban Phụng Vụ (trang 210), Ban Chầu Thánh Thể (trang 210-211), và Ban Hoa Thiêng (trang 211-212). Còn việc sắp xếp phòng sở thì nơi trước tiên mà sách kể tới là Nhà Bêtania (trang 216).
Lý do linh mục sáng lập kể ra nhiều Ban và nhiều việc liên hệ đến Nhà Bêtania là muốn chắc chắn có người chịu trách nhiệm để nơi "Vua Tình Yêu" ngự trị được chu đáo hơn. Khi bị cưỡng bức làm lính trong quân trường, người viết nhìn tận mắt quang cảnh loài người xếp đặt những sỹ quan phải túc trực khi các "ông lớn" đến thanh tra. Từ lối đi ở xa tắp ngoài cổng thành, cho đến lỗ dựng các cờ dàn chào, nhất là những ghế danh dự trên bục cao, v.v., tất cả đều có "người to, người nhỏ" chịu trách nhiệm. Nếu sơ xuất xảy ra thì "cả bọn" khốn khổ vì bị phạt trọng cấm cực khổ! Thật ra "Chúa là Tình Yêu", vì yêu thương con người nên Chúa chấp nhận mọi hoàn cảnh để ở lại giữa con người lầm than, nên cần có Vị/Cặp đặc trách Nhà Bêtania không phải vì sợ bị phạt trọng cấm, nhưng vì muốn đền đáp phần nào Tình Yêu Thăm Thẳm Chúa trao tặng cho con người!
Nếu không cắt cử Vị/Cặp đặc trách Nhà Bêtania, rồi nếu Vị/Cặp này không đọc để cầu nguyện và nghiên cứu trước trong sách Nền Tảng Và Nội Dung cũng như trong sách Hướng Dẫn Sinh Hoạt, thì tuy lý thuyết bảo rằng "Chúa rất quan trọng" cho bản thân và cho Khóa, nhưng thực tế đã coi Chúa rất tầm thường.
Những Khóa mà trợ nguyền "được ơn", dễ thương yêu nhường nhịn, dễ bỏ qua những thiếu sót của nhau khi giúp Khóa, thường là những Khóa có người điều khiển để Chầu Thánh Thể cho nghiêm minh sốt sáng. Người này giúp cho trợ nguyền dễ cầu nguyện bộc phát. Khóa viên cần xả lõi lòng trong Phòng Song Nguyền thế nào, thì trợ nguyền cũng cần xả cõi lòng trong Nhà Bêtania như thế. Việc gì cũng cần có người chịu trách nhiệm, lúc đó mới hy vọng đạt kết quả thâm sâu. Vậy khẩn thiết cần cắt cử cho có Vị/Cặp đặc trách Nhà Bêtania.
Có nhiều căn cớ để thoái thác, để bảo rằng thiếu người, còn nhiều việc không thể bỏ dở, nên không tìm được người đặc trách Nhà Bêtania. Đã vậy, nếu cắt cử thì người được cắt cử lại hững hờ, dồn thời giờ vào việc khác bề ngoài, hấp dẫn hơn là việc Thờ Lạy Mình thánh Chúa! Hoặc tuy có mặt nhưng thiếu đọc thủ bản để chuẩn bị, do đó kết quả là trợ nguyền dễ nhạt nhẽo trong việc Chầu Chúa. Việc gì cũng hăng say trừ việc Chầu Chúa!
Tội nghiệp cho Chúa! Nói rằng yêu mến Chúa nhưng lại mến việc khác hơn là việc ở gần Chúa, ở bên Chúa trong Nhà Bêtania!
Về địa điểm thì có nơi dùng ngay nhà thờ hay nhà nguyện là nơi công cộng để làm Nhà Bêtania. Như vậy không tiện cho đặc tính chuyên biệt của Chương Trình, khó tạo bầu khí "thương yêu gần gũi bằng việc làm", khó viết Hoa Thiêng, tức là cầu nguyện trước Thánh Thể.
Nếu không thể thu xếp cách khác được mà phải dùng Nhà Tạm có sẵn, thì nên nhớ đó là ngoài ý muốn. Địa điểm này không lý tưởng để làm Nhà Bêtania theo tinh thần "thương yêu gần gũi bằng việc làm", tinh thần "khiêm nhường nói ra điều yếu đuối mình đang chiến đấu", tinh thần "ý chí cảm nghiệm cụ thể để thay đổi đời sống". Nếu một địa điểm tạo ra bầu khí xa cách, khó quây quần gần gũi nên khó xả cõi lòng, ít hồn nhiên bộc phát ra với Chúa, thì cố gắng tránh địa điểm đó vì không hoàn toàn thích hợp với Chương Trình.
Hai bảng Nhà Bêtania và Văn Phòng Điều Hành thường đi đôi với nhau vì ở cùng một địa điểm. Lý do vì hơn ai hết, các người điều hành phải là người sống "thương yêu gần gũi bằng việc làm" đối với Chúa. Cần làm mọi việc trong Chúa, "cầu nguyện trong mọi việc – prayer in everything", và "mọi việc là cầu nguyện – everything is prayer".
Vậy bất cứ ai làm việc gì, một đàng cần chu toàn công việc, nhưng đàng khác, đừng quên mình chỉ là dụng cụ, còn Chúa mới là Tác Giả đưa công việc tới hoàn thành. Nếu còn thiếu sót thì hãy khiêm nhường nhận mình thiếu sót. Nếu đạt kết quả thì rất cần Cảm Ơn chứ đừng vô ơn như chín người tật phong được chữa lành.
Vì làm việc trước mặt Cha Nhân Lành, trước Vua Vũ Trụ, nên hãy làm trong trầm lặng, trong kết hợp với "Bạn Tình Chí Thánh". Khi cần nói thì nói nhỏ nhẹ, đủ nghe thôi. Khóa tiên khởi ở Việt Nam, tháng 2 năm 2003, với mấy chục trợ nguyền từ các nước về Quê, quý anh chị đã sốt sáng Chầu Thánh Thể, làm các việc trước Nhan Thánh Chúa. Thực tế này gây cảm kích cho cha Chu Quang Tòng, vị linh mục từ Bắc vào Nam để dự Khóa. Ngài như muốn gào thét lên: "Hãy đến mà xem! Hãy nhìn những anh chị em luôn Chầu Thánh Thể. Họ làm các việc trước Nhan Chúa!" (sách Hồi Ký Tình Yêu Thăm Thẳm, trang 276).
Có người cho rằng "làm mọi việc trước Mặt Chúa" như vậy là bất kính. Tuy nhiên, lúc này không thờ phượng Chúa với tư cách Chúa là Vua như trong Lễ Chúa Nhật; cũng ít thờ phượng Chúa với tư cách là Cha; mà thờ phượng với tư cách Chúa là "Bạn Hữu Thân Tình", nên nếu yêu mến Bạn "hết lòng, hết trí, hết linh hồn" thì Bạn không câu chấp sự thiếu thốn của loài người yếu đuối. Vì quá yêu nên Ngài ra lệnh "Ta không ưa thích lễ vật chiên bò, mà Ta vui thỏa ở giữa con cái loài người". Vậy đừng giỡn cợt, nhưng cũng đừng ngần ngại sống Tình Con Thảo "Lạy Cha chúng con – Our Father", đừng giảm sút gần gũi với "Bạn Hữu Thân Tình". Vậy ai có trách nhiệm tổ chức Khóa thì hãy hân hoan làm các việc trước Mặt Chúa, tức làm làm các việc trong Nhà Bêtania, để "Mọi việc là cầu nguyện – Everything is prayer" và "Cầu nguyện trong mọi việc – Prayer in everything".
Một thực tế nữa để Ban Điều Hành làm các việc trong Nhà Bêtania, đó là có khi không đủ người Chầu liên tục. Vì vậy khi làm việc trước Nhan Chúa thì dễ thánh hóa các việc đã vậy, mà còn có người gần Chúa. Nếu Chúa "khó tính", lúc nào cũng than trách loài người bất kính thì tưởng Chúa đã không lập Phép Thánh Thể. Vậy đành ở trước Mặt Chúa mà chưa được như lòng mong muốn, còn hơn sợ bất kính rồi không có ai ở trước Nhan Chúa, yêu mến Chúa, làm các việc để cùng Chúa yêu mến người, trong đó có khóa viên.
Các trợ nguyền có "yêu thương gần gũi bằng việc làm" là nhờ thông phần vào Tình Yêu Thăm Thẳm của Chúa, là Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì vậy Chúa Thánh Thần soi dẫn để Chương Trình đặt trọng tâm cho các trợ nguyền là Nhà Bêtania.
Lý do thứ hai để Khóa cần có các trợ nguyền Chầu Thánh Thể thay thế cho các khóa viên là vì mọi bài học trong Khóa đều quy hướng về bài học cuối cùng là yêu thương, gia đình chỉ có ý nghĩa trong tình yêu. Mà Tình Yêu cuối cùng là Chúa vì "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Ga 4, 8). Về khía cạnh chuyên môn thì Khóa giống như một lớp học chuyên nghiệp về tâm lý gia đình, cần nhiều giờ để học tập, nên các học viên phải học bài trong lớp, không đủ thời giờ để Chầu Thánh Thể. Trong mầu nhiệm "Hội Thánh cùng thông công", sự bận rộn của khóa viên được bù đắp bằng sự sốt sáng Chầu Thánh Thể của các trợ nguyền.
Sau Buổi I, thường là tối thứ Sáu, thì các trợ nguyền tương đối còn dễ Chầu Chúa chung liền ngay sau Nghi Thức Khai Mạc. Còn các Buổi khác rất khó quy tụ lại để Chầu chung. Tuy nhiên, nếu cương quyết đặt ưu tiên là Chầu Thánh Thể, nếu muốn Chúa là Tác Giả của từng người cũng như của cả tập thể, thì lúc đó sẽ đủ ý chí để tạm gác mọi việc, để mọi trợ nguyền đều hăng say đi Chầu Thánh Thể chung.
Để việc Chầu Thánh Thể chung được nhiều trợ nguyền tham dự một cách sốt sáng, thì cần làm một số điều.
Trước tiên, cần có ý thức cá nhân về sự quan trọng của Giờ Chầu Thánh Thể Chung.
Thoáng nhìn thì như mâu thuẫn vì kêu gọi "Chầu chung" nhưng lại đòi hỏi "nghĩ riêng", thờ phượng tập thể nhưng ý thức cá nhân.
(1). Cần ý thức cá nhân về tầm mức quan trọng của việc Chầu Thánh Thể chung, lý do vì mọi việc đều bắt đầu từ một người, cũng như muốn xây dựng chung cả toà nhà thì phải đặt xây từng viên gạch, hoặc nếu muốn xuống lầu có 300 nấc thang thì mỗi lúc phải bước từng nấc; hoặc muốn thuộc mười bài thơ thì mỗi lúc phải học thuộc lòng từng bài, v.v. Vậy nếu muốn cho mọi người cùng làm chung một việc, cùng "hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn" thì khẩn thiết phải vận dụng để từng người đều ý thức việc mình làm là quan trọng.
Về việc Chầu Thánh Thể trong Khóa cũng cần từng trợ nguyền ý thức tầm mức quan trọng của việc Chầu Chung. Cần cảm nghiệm đích thực Chúa là Cha của từng con và của tất cả các con. Nếu cha mẹ phần xác sung sướng khi thấy các con quây quần nâng đỡ nhau, cùng nhau gần gũi với mình, thì Cha Trên Trời cũng sung sướng như thế và còn hơn thế, khi thấy các con quây quần, cùng nhau tâm tình với Mình. Vì vậy Chúa dạy "Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." (Mt 18, 20). Khi nói về thương yêu thì Chúa không nói với một người mà với nhiều người "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." (Ga 13, 34).
Thứ hai, bản chất của Tình Yêu là phải có ít là từ hai người trở lên. Nên vì Chúa là Tình Yêu, nên trong Bản Chất hay Bản Tính của Chúa, thì Chúa cũng không thể chỉ có một mình, không đơn độc, không chỉ "chầu riêng" mà "chầu chung" vì Chúa có Ba Ngôi tuy là Ba Ngôi riêng biệt.
Vậy từng trợ nguyền riêng biệt cần ý thức việc Chầu Thánh Thể Chung là việc quan trọng khi đến giúp Khóa. Nếu không có sự ý thức này thì trợ nguyền dễ nại cớ phải làm các việc khác nên không Chầu Thánh Thể Chung, trong khi một ít người Chầu Chung thì nhiều người đi làm các việc riêng. Tuy các việc đó cũng cần cho Khóa nhưng Chúa đã dạy cần ngồi dưới chân Chúa, rồi thu xếp các việc khác sau: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10, 41-42). Kinh nghiệm cho thấy đa số bị trống rỗng và ân hận vì thiếu tinh thần chung, mà ít khi thấy ai vì có tình yêu thương bác ái chung mà đời sống cô đơn lạc lõng.
Thứ ba là sự nhắc nhở của Ban Tổ Chức, và của Vị/Cặp đặc trách Nhà Bêtania là điều cần thiết nếu muốn đông đảo các trợ nguyền Chầu Thánh Thể chung.
Nhiều trợ nguyền có thiện chí, nhưng vì không có người mời gọi nên không nhớ lúc nào có Giờ Chầu Thánh Thể Chung trong mỗi Buổi. Có thể có giấy tờ niêm yết ở chỗ nào đó, nhưng thực tế ít người để ý tới những giấy tờ dán trên tường, nhất là dán lẫn lộn với nhiều giấy tờ khác.
Khi dán giấy thì đủ pháp lý để không bị trách cứ là thiếu sót theo lý thuyết, nhưng chưa đủ thực tế để khơi động lòng nhiệt thành phấn khởi, để có sự thôi thúc khích lệ làm việc lành.
Vì sự nhắc nhở là việc tối quan trọng để có các giờ Chầu Thánh Thể chung, nên Ban Tổ Chức phải đặt ưu tiên cho việc nhắc nhở này, cũng như chính Ban Tổ Chức phải hiện diện trong giờ Chầu Thánh Thể chung. Rồi Vị/Cặp đặc trách Nhà Bêtania, đặc trách Ban Hoa Thiêng, đặc trách Phụng Vụ, cũng như bất cứ ai có lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, tất cả đều phải xếp ưu tiên cho việc Chầu Thánh Thể chung, và phải tự coi mình có trách nhiệm kêu gọi các anh chị em khác cùng vào Nhà Bêtania với mình để cùng nhau Chầu Thánh Thể.
Cần dùng thủ bản để việc Chầu Chung này được thống nhất trên khắp thế giới. Thật ra có thể dùng những cách thức khác nhau, nhưng như vậy là không còn đặc tính chuyên biệt của mỗi đoàn thể công giáo tiến hành khác nhau. Và như vậy thì cũng không cần Chầu Chúa trong Chương Trình TTHNGĐ, vì "Chầu ở đâu cũng vậy thôi".
Để dễ sử dụng các tài liệu khi Chầu Thánh Thể, thì ở đây nhắc lại ý nghĩa các chương 21a, 21b, và chương 24 của sách Hướng Dẫn Sinh Hoạt.
Trước tiên, chương 21a, từ trang 603: Chương này chỉ dẫn bốn điểm, thu lại thành "Mười Điều Tâm Niệm Khi Làm Trợ Nguyền". Nếu muốn giúp Khóa mà bản thân được ích lợi thì không thể bỏ việc Cầu Nguyện với "Mười Điều Tâm Niệm" này. Vậy từ nay mỗi khi làm trợ nguyền cho Khóa, thì khẩn thiết mời gọi đọc lại các điều tâm niệm trước Nhan Thánh Chúa trong Nhà Bêtania. Để có đôi khái niệm thì ở đây tóm tắt Mười Điều Tâm Niệm từ trang 605:
Trên đây tóm tắt một phần của chương 21a để chứng tỏ rằng nếu dùng các tài liệu trong thủ bản, thì việc Chầu Thánh Thể sẽ thâm sâu và ích lợi hơn. Vậy khẩn thiết mời gọi Vị/Cặp đặc trách việc Chầu Thánh Thể hãy đọc và cầu nguyện với các tài liệu này, rồi sử dụng để giúp các trợ nguyền Chầu Thánh Thể chung cũng như riêng với các tài liệu đó. Không dùng các tài liệu thì Giờ Chầu cũng qua đi, nhưng giảm bớt ích lợi, hoặc Giờ Chầu cũng giống như các Giờ Chầu khác ở Cộng Đoàn, như vậy thì không cần phải đến Khóa!
Hai chương trực tiếp về Chầu Thánh Thể là chương 21b, từ trang 617, chỉ dẫn về "Chương Trình Chầu Thánh Thể", và chương 24, từ trang 673, soạn sẵn "Các Mẫu Chầu Thánh Thể". Vậy khi Trường Nội Dung trình bày về "Căn Bản Chầu Thánh Thể" thì phải đọc hai chương này trong Cầu Nguyện để việc trình bày được chính xác theo văn bản, đồng thời có sự hiệp nhất trên thế giới.
Sách Nền Tảng Và Nội Dung nói ở trang 211:
Vậy theo sách Nền Tảng Và Nội Dung thì có ít là bốn việc cần làm:
Cần làm theo thủ bản, là sách Nền Tảng Và Nội Dung, trang 211-212, nhất là chương 11 trực tiếp về "Viết Và Trao Hoa Thiêng", từ trang 251 (Vị/Cặp nào trình bày về "Căn Bản Chầu Thánh Thể" trong Trường Nội Dung thì phải đọc trong Cầu Nguyện các trang trên. Nhờ khiêm nhường đọc trong Cầu Nguyện mà TND đi sát với Đoàn Sủng hơn, nên ích lợi cho mình và cho các khóa viên cũng như trợ nguyền hơn).
Để làm theo những điểm đặc biệt trên thì cố gắng có Nhà Bêtania riêng biệt, không phải Nhà Nguyện hay Nhà Thờ có sẵn của Trung Tâm hoặc Giáo Xứ, nhiều người ra vào, khó để các tài liệu và khó bộc phát theo đường lối của Chương Trình. Mọi việc đều bắt nguồn từ Khóa Căn Bản và Khóa Tu Nguyền, nên cần làm theo những tiêu chuẩn của Khóa, tương tự như phấn khởi làm theo những tiêu chuẩn trong Phúc Âm hoặc theo điều lệ riêng của mỗi dòng, mỗi đoàn thể.
Khi đã có Căn Bản thì với Ơn Chúa, sẽ thêm người Chầu Thánh Thể trong Nhà Bêtania, sẽ ích lợi hơn cho bản thân, các trợ nguyền, các khóa viên, và cho nhân loại.■
Tuy gọi là "Giờ Hoa Thiêng", nhưng cũng như "Giờ Kinh" trong sách Nguyện của Linh mục, có thể là 30, 45, hay 60 phút.
Trong Khóa Căn Bản và Khóa Tu Nguyền, các trợ nguyền thường cầu nguyện chung từ ba đến bốn lần, đó là tối thứ Sáu, sáng thứ Bảy, chiều thứ Bảy, và sáng Chúa Nhật.
Mỗi lần cầu nguyện chung từ 30 đến 60 phút. Liệu để chấm dứt Giờ Cầu Nguyện Hoa Thiêng từ 30 đến 40 phút, tùy mức độ khóa viên cần trợ nguyền phục vụ. Sau đó tùy nghi yên lặng VIẾT HOA THIÊNG.
Việc viết Hoa Thiêng trước Mình Thánh Chúa là thành phần quan trọng của Giờ Hoa Thiêng, vì nhờ ở trước Nhan Thánh Chúa mà ích lợi cho người viết, và cho người đọc nhiều hơn.
Nếu đang cầu nguyện (chứ không phải đang Dâng Thánh Lễ), mà tới giờ Nghỉ Giải Lao của khóa viên, thì tạm ngưng để phục vụ, vì chỉ trong 15 phút họ lại vào Phòng Song Nguyền, nếu không dừng ngay thì mất cơ hội phục vụ và khóa viên cũng tẻ nhạt, không có người tiếp giúp nên dễ căng thẳng thần kinh, vì như đã biết, chương trình trong Phòng Song Nguyền rất khít khao.
Khi nói “tạm ngưng”, là ngưng cầu nguyện trong Nhà Bêtania, chứ không ngưng cầu nguyện với Chúa, vì cần cùng với Chúa để tiếp giúp khóa viên, chứ không tiếp giúp một mình. Đó là ý nghĩa “cầu nguyện trong mọi sự, và mọi sự là cầu nguyện”.
Vả chăng, mỗi việc có mục đích chính và mục đích phụ. Vậy mục đích chính khi đi trợ nguyền là cùng với Chúa để giúp khóa viên, chứ không chỉ cầu nguyện, chỉ gặp gỡ Chúa như khi đi tĩnh tâm Mùa Chay.
Tuy không bó buộc, nhưng rất nên theo sát một chương trình cầu nguyện rõ rệt, để mọi người an tâm, biết diễn tiến trong Nhà Bêtania như thế nào. Vậy nên theo sách Chầu Thánh Thể Trong Khóa Căn Bản đã in sẵn cho Khóa, hoặc qua Internet: https://cttdvnfl.org/tai-lieu-cttthngd.
1. Diễn tiến giống như khi làm chung, chỉ khác là một đàng có đọc lớn tiếng, còn một đàng âm thầm nhỏ nhẹ giữa mình với Chúa.
Vì là Chầu Thánh Thể Riêng, nên được tự do diễn tả theo Chúa Thánh Thần thúc đẩy.
Đừng ngại bày tỏ theo những cách thức của riêng mình. Thí dụ phủ phục, ngồi ngắm nhìn lên Chúa, tha thiết van nài, nói thì thầm, nói to vừa phải để mình nghe thấy tiếng mình, giang tay, chắp tay, đứng, quỳ, ngồi, v.v. Cứ thành thật cởi mở “hết lòng, hết trí, hết linh hồn” với Chúa.
Chỉ cần lưu ý một điều, đó là tế nhị, không làm phiền người khác. Tuy nhiên, đôi khi có người khác mà vốn bày tỏ hồn nhiên, nếu người khác chấp nhận, và có khi cũng đang bày tỏ tương tự như mình.
2. Mỗi khi có trợ nguyền tới viếng thăm Khóa mà không ở lâu, thì cặp đặc trách Nhà Bêtania và cặp đặc trách Hoa Thiêng cần mời người đó vào Nhà Bêtania ngay. Nếu không Viếng Chúa thì các thăm viếng khác ít có kết quả vì thiếu nội tâm.
**Cần để sẵn trong Nhà Bêtania một số tài liệu, như sách Kinh Thánh, sách Thánh Ca, sách Nền Tảng Và Nội Dung, cũng như sách Hướng Dẫn này, cộng thêm nhiều sách tâm lý đạo đức của nhiều tác giả, nhưng phải đọc trước để biết nội dung sách đó thích hợp với Khóa.
Riêng về sách của linh mục sáng lập, nếu không đặt hết thì ít ra đặt sách Huấn Dụ Và Ghi Niệm, sách Nghe Yêu, sách Biết Mình Để Sống Vui, v.v. ■